Trong chuỗi hoạt động chuẩn bị dự án ”Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị ngành chăn nuôi lợn công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam” (tên tiếng Anh: Establishing a K-Farm and Improving Pig Industry Value Chain in the Ninh Binh Province of Vietnam), ban quản lý Dự án phía Hàn Quốc (PMC) có buổi họp với đại diện của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (DTS) và Viện Chăn Nuôi (NAIS) vào sáng ngày 14/10/2022.
Nhóm chuyên gia Hàn Quốc bao gồm ông Lee Sung Ho, ông Greg Yoon, bà Ko Dae Wa, ông Park Hyunk, ông Shim Won-bo, ông Ahn Kang-Un, và ông Yoon Hangdo. Thành phần tham dự cuộc họp bên phía Viện Chăn nuôi có ông Phạm Doãn Lân, Phó Viện trưởng; ông Chu Mạnh Thắng, Trưởng phòng Kế hoạch và Hợp tác Quốc tế; ông Phạm Duy Phẩm, giám đốc Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương và bà Lê Thu Hà. Phía DTS có ông Ngô Thế Hiên, nguyên giám đốc Trung tâm; ông Nguyễn Hoàng Đan, phó giám đốc Trung tâm; ông Đỗ Minh Phương, bà Chu Diễm Hằng và bà Trần Thị Minh Tuyến. Ngoài ra, cuộc họp có đại diện của EPIS Hàn Quốc tham dự trực tuyến.
Thay mặt nhóm chuyên gia Hàn Quốc, ông Lee Sung Ho trình bày các kết quả thu được từ chuyến khảo sát Trạm nghiên cứu và Phát triển Giống hạt nhân Tam Điệp, Ninh Bình. Các chuyên gia đã nghiên cứu tình trạng cơ sở hạ tầng trại Trạm Tam Điệp về trang thiết bị, điện, nước, công nghệ nuôi, xử lý chất thải, thú y, khử khuẩn và phòng chống dịch.
Đoàn chuyên gia Hàn Quốc cũng trình bày kế hoạch tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam. Trong đó, chương trình đào tạo sẽ được chia ra 2 nhóm là đào tạo ngắn hạn và đào tạo dài hạn. Dự kiến các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn sẽ diễn ra vào đầu năm 2023, sau khi Văn kiện Dự án được chính phủ Việt Nam phê duyệt. Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp phối hợp với Viện Chăn Nuôi sẽ đề cử danh sách học viên tham dự các khóa học của Dự án.
Cuộc thảo luận của nhóm chuyên gia tiếp tục với các vấn đề như xây dựng hệ thống điện mặt trời áp mái, lắp đặt hệ thống lưu điện và hòa vào lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, vấn đề nước sinh hoạt, sản xuất và xử lý chất thải cũng được bàn bạc. Trong tình hình hiện tại, hệ thống nước sinh hoạt và sản xuất đã và đang đủ đáp ứng với tình hình sản xuất của Trại. Tuy nhiên, khi thiết lập một trang trại chăn nuôi thông minh, đại diện của Viện Chăn Nuôi đề xuất xây dựng thêm một hệ thống khử khuẩn nước nhằm đáp ứng các yêu cầu cao hơn của quy trình chăn nuôi mới.
Các chuyên gia Hàn Quốc cũng đưa ra một số đề xuất như xây dựng hàng rào bảo vệ khép kín toàn bộ Trại, đồng thời thiết lập một hệ thống xe cơ giới đưa thức ăn vào trại cũng như chở lợn ra ngoài theo tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh và phòng chống dịch bệnh. Hệ thống phòng thay đồ, cách ly trước khi xuống khu sản xuất cũng được các chuyên gia Hàn Quốc đề xuất xây mới. Trong tình hình các khu sản xuất có khoảng cách tương đối xa nhau, việc lắp đặt hệ thống máy phân loại lợn theo trọng lượng khó có thể tiến hành. Nhóm chuyên gia Hàn Quốc đề xuất lắp đặt máy phân loại lợn sử dụng cân di động để có thể di chuyển dễ dàng giữa các khu chuồng trại bên trong.
Vấn đề khử trùng ngay từ cổng Trại cũng được lưu ý ở mưc độ ưu tiên cao. Phía Hàn Quốc đề xuất xây dựng một phòng khử trùng xe đến ở phía cổng Trại nhằm đảm bảo cao nhất điều kiện vệ sinh an toàn cho chuồng trại mỗi khi các xe này có nhiệm vụ ra vào Trại. Trong bối cảnh thời tiết tương đối khắc nghiệt ở miền Bắc Việt Nam, hệ thống phun sương tăng độ ẩm và làm mát chuồng trại cũng được đề xuất lắp đặt.
Về vấn đề thu thập dữ liệu và giám sát tình hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ tin học, các chuyên gia đề xuất lắp đặt hệ thống máy chủ hình ảnh, dữ liệu và video tại trung tâm dữ liệu của DTS. Để tiếp nối hoạt động này, các chuyên gia công nghệ của Hàn Quốc và Việt Nam sẽ tiến hành những buổi thảo luận trực tuyến nhằm thống nhất các yêu cầu kỹ thuật trước khi lắp đặt thiết bị. Phần mềm quản lý trang trại và dữ liệu sẽ được thiết kế hoạt động trên nền tảng web và di động, cho phép truy cập dữ liệu mọi lúc, mọi nơi.
Buổi thảo luận đã đi đến một số kết luận quan trọng:
- Về vấn đề đào tạo, khóa tập huấn dài hạn đầu tiên tại Hàn Quốc và các khóa tập huấn ngắn hạn trong nước sẽ được tiến hành vào đầu năm 2023, sau khi Văn kiện Dự án được chính phủ Việt Nam phê duyệt.
- Hệ thống dữ liệu, máy chủ, phần mềm quản lý trang trại sẽ được lắp đặt và triển khai tại trung tâm dữ liệu của DTS.
- Nhóm chuyên gia Hàn Quốc và Việt Nam sẽ cùng triển khai điều tra kỹ lưỡng tình trạng hạ tầng tại Trại Tam Điệp để xây dựng thiết kế trang trại cho Dự án, trong thời gian chờ Văn kiện Dự án được phê duyệt.
- Các chuyên gia chăn nuôi trong nước sẽ được cân nhắc huy động vào đội chuyên gia của Dự án nhằm hỗ trợ hoạt động đào tạo và vận hành Dự án trong những năm tiếp theo.
- Cuộc họp ban điều hành dự án (PSC) sẽ sớm được tiến hành giữa PMC, EPIS, DTS, và Viện Chăn Nuôi, qua đó thống nhất kế hoạch hoạt động của Dự án trong giai đoạn cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.
- Trong thời gian làm việc tại Việt Nam, nhóm chuyên gia Hàn Quốc sẽ được DTS bố trí phòng làm việc gần trụ sở của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đây cũng sẽ là văn phòng Dự án.
Smart Farm