Ngày 30/2/2023, nhóm công tác của dự án "Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị ngành chăn nuôi lợn công nghiệp tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam" đã có buổi làm việc tại Trạm nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp trong khuôn khổ các bước chuẩn bị cho sự kiện khởi công dự án.
Buổi làm việc có sự tham gia của các bên: Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp - DTS (ông Đỗ Minh Phương và bà Chu Diễm Hằng); Viện Chăn nuôi Quốc gia (ông Chu Mạnh Thắng, bà Lê Thu Hà, ông Nguyễn Xuân Tuyên); nhóm chuyên gia Hàn Quốc (ông Yun Hangdo, ông Han Dongsun, và ông Lee Sungho); đại diện Trạm nghiên cứu và Phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp (ông Nguyễn Tiến Thông, cùng các cán bộ khác).
Nhóm chuyên gia đã tham gia thảo luận các vấn đề liên quan đến việc xây dựng khu chăn nuôi mới theo thiết kế của các chuyên gia Hàn Quốc. Trong thời tiết nóng ẩm của mùa Hè ở miền Bắc Việt Nam, các vấn đề như hệ thống làm mát, giữ thông thoáng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi, hay đường đi trong khu chăn nuôi thu hút sự quan tâm thảo luận của các bên.
Để phòng tránh lây lan dịch bệnh, các chuyên gia cũng lưu ý việc cách ly của công nhân tham gia xây dựng cũng như công tác đào tạo, nâng cao năng lực sẽ diễn ra trong những năm tiếp theo. Các ý kiến về việc sử dụng hệ thống hội thảo trực tuyến, giới hạn số lượng học viên trong một khóa, bố trí công tác hậu cần cho giảng viên và học viên cũng được xem xét và lập kế hoạch. Dự kiến mỗi khóa đào tạo sẽ bao gồm 10 cán bộ chăn nuôi, chia làm nhiều đợt. Trong thời gian tới, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ khẩn trương hoàn thiện tài liệu đào tạo, dịch sang tiếng Việt và trao đổi thêm với các chuyên gia chăn nuôi của Việt Nam.
Đại diện cho cơ quan quản lý và điều phối dự án, bà Chu Diễm Hằng đã có những kết luận về kết quả buổi làm việc như sau:
- Thiết kế mái vòm cũ của nhóm chuyên gia Hàn Quốc sẽ được chỉnh sửa sang mái bằng cho phù hợp với điều kiện nhiệt đới ẩm của miền Bắc Việt Nam.
- Các tấm tản nhiệt trong chuồng trại sẽ được đặt ở vị trí có độ cao 50cm so với mặt sàn.
- Chiều dày các tấm tản nhiệt ban đầu là 1.15m, trong điều kiện ở Việt Nam sẽ được tăng lên thành 1.8m để tăng độ giãn nhiệt.
- Đường kính quạt làm mát khi thiết kế là 80cm, sẽ tăng lên 1.2m.
- Đối với chuồng lợn thịt, số lượng quạt có đường kính 1.2m cần có là 2 chiếc.
- Đối với chuồng lợn cai sữa, số lượng quạt có đường kính 1.2m cần có là 1 chiếc.
- Hệ thống xử lý chất thải sẽ kết nối với hệ thống xử lý môi trường của Trạm. Trong các ngày tiếp theo, nhóm chuyên gia khảo sát của Hàn Quốc sẽ điều tra và vẽ chi tiết bản đồ hệ thống xử lý chất thải hiện thời để có những thiết kế phù hợp cho khu chuồng sẽ xây mới của dự án.
- Vị trí đặt Hệ thống pin mặt trời cũng sẽ được nghiên cứu và thiết kế lại cho phù hợp, thay thế vị trí cũ do các chuyên gia Hàn Quốc lựa chọn.
- Hệ thống đường đi lại trong trại cũng như đường dẫn vật nuôi sẽ được khảo sát và thiết kế, bổ sung cho sơ đồ thiết kế chuồng trại hiện tại.
- Hệ thống xử lý chất thải, tách phân rắn và lỏng chưa được đầu tư xây dựng tại Trạm. Phía Việt Nam cũng đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống này nhằm đảm bảo vệ sinh và giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Ban quản lý dự án phía Việt Nam đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục xây dựng dự án, đặc biệt là xin phê duyệt Văn kiện Dự án để có cơ sở pháp lý tiến hành các hoạt động kỹ thuật một cách chính thức. Dự kiến đến tháng 6/2023, sau khi Văn kiện Dự án được phê duyệt, Lễ Khởi động Dự án sẽ được tổ chức tại tại Ninh Bình.
Smart Farm