Hoạt động dự án

[Hoạt động dự án][bleft]

Thông tin dự án

[Thông tin dự án][bsummary]

Tin tức

[Tin tức][twocolumns]

Ứng dụng công nghệ cao chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh

Sau thời gian dài tăng cường công tác phòng, chống và đã cơ bản kiểm soát được dịch tả heo châu Phi, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh công tác tái đàn, tăng đàn. Giá heo liên tục ổn định ở mức cao cũng là nguyên nhân để người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư chuồng trại lạnh theo quy trình khép kín, tự động nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Nuôi heo thủ công trại hở gặp nhiều rủi ro dịch bệnh. Trong ảnh: Một hộ nuôi heo nhỏ lẻ tại xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất. Ảnh: Lê Quyên

Vài tháng trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi liên tục leo thang khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn, nhất là với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vốn đầu tư có hạn, chi phí đầu vào cao trong khi rủi ro dịch bệnh vẫn lớn do thiếu vốn đầu tư cải tạo chuồng trại nuôi.

* Chăn nuôi chuồng lạnh phát triển

Theo nguồn số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, hiện tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có khoảng 2,4 triệu con, tăng 0,53% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện giá heo đẹp bán ra thị trường đang ở mức từ

76-77 ngàn đồng/kg, đây là mức giá tốt và người chăn nuôi đã đạt lợi nhuận khá. Theo đó, người chăn nuôi mạnh dạn đầu tư cải tạo chuồng trại, ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi. Đây cũng là định hướng của tỉnh phát triển ngành Chăn nuôi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ giảm chi phí sản xuất mà còn đảm bảo về vệ sinh an toàn dịch bệnh.

Ông Bùi Hữu Long, quản lý Trang trại Chăn nuôi Phan Tấn Hùng (xã Bàu Cạn, H.Long Thành) cho biết, sau thời gian tạm ngưng nuôi để xử lý chuồng trại từng xảy ra dịch tả heo châu Phi và đầu tư vốn lớn nâng cấp lên hệ thống nuôi chuồng lạnh; đến nay hầu hết quy trình chăn nuôi đều tự động hóa. Hiện trang trại đã tái đàn với quy mô gần 200 con nái và khoảng 1 ngàn heo thịt, tăng hơn hẳn so với trước. Theo ông Long: “Thời gian qua, thị trường heo hơi luôn đứng ở mức giá tốt nên trang trại mạnh dạn tái đàn. Mặt khác, nhờ đầu tư chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, chi phí sản xuất giảm, rủi ro dịch bệnh được kiểm soát nên trang trại yên tâm tiếp tục mở rộng quy mô đàn”.

Phó chủ tich Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Nguyễn Kim Đoán so sánh, hiện trang trại nuôi theo hệ thống chuồng lạnh, mọi khâu ăn, uống của vật nuôi đều được tự động hóa, nhiệt độ, ánh sáng cũng được kiểm soát, điều chỉnh bằng cảm biến. Chính vì vậy, trước đây, 1 trại nuôi có quy mô hơn 1 ngàn con heo thường cần 3 lao động thì nay chỉ cần 1 người quản lý mà vẫn nhàn rỗi. Với hệ thống ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi này, trang trại không chỉ tiết kiệm được chi phí nhân công mà quan trọng nhất là có ít người ra vào khu chăn nuôi, kiểm soát tốt hơn rủi ro dịch bệnh. “Đây là xu hướng đầu tư chăn nuôi heo hiện nay vì nuôi bằng trại hở gặp rủi ro rất lớn về dịch bệnh, nhất là dịch tả heo châu Phi. Chính vì vậy, những chủ trại muốn gắn bó lâu dài với nghề nuôi heo đều huy động vốn đầu tư lại hệ thống chuồng trại bài bản, theo quy trình khép kín” - ông Đoán nói.

* Chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn khó khăn

Thời gian qua, các địa phương và ngành Chăn nuôi của tỉnh đã rất quan tâm thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi trên đàn heo. Mặc dù công tác phòng chống dịch được tập trung triển khai thực hiện nhưng trong quý I-2021, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra 2 ổ dịch tả heo châu Phi tại H.Cẩm Mỹ và H.Long Thành với 73 con heo bị bệnh và được tiêu hủy theo quy định. Dịch bệnh được phát hiện kịp thời, khống chế hiệu quả nên không lây lan trên diện rộng. 2 ổ dịch trên đều xảy ra ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa áp dụng tốt các giải pháp an toàn sinh học. Đây cũng là khó khăn chung của các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ hiện nay.

Bà Trần Thị Kim Tuyết, chủ hộ nuôi heo tại xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) chia sẻ, thời gian qua, gia đình bà đã gầy lại được 10 heo nái và vài chục heo thịt. Bà chỉ cải tạo lại khu chuồng nuôi vốn có, cho chăng bạt quanh khu chuồng nuôi chứ không đủ vốn đầu tư lại trại nuôi kín. Bà cũng mua heo hậu bị ngoài thị trường với giá cao nhưng không phải con nào cũng đạt khiến chi phí đầu vào tăng cao. Việc giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã trong thời gian gần đây càng chồng chất khó khăn cho người nuôi nên dù giá heo hơi có cao hơn nhiều so với trước khi xảy ra dịch tả heo châu Phi thì lợi nhuận từ nuôi heo của gia đình bà Tuyết đạt rất thấp.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Nguyễn Kim Đoán  cho biết thêm, giá thức ăn chăn nuôi hiện tăng khoảng 30% so với vài tháng trước đó, đội giá thành sản xuất lên từ 7-8 ngàn đồng/kg heo hơi. Chăn nuôi nhỏ lẻ chi phí đầu vào cao, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiện nay, nuôi trại hở rủi ro xảy ra các loại dịch bệnh rất lớn, trong đó có dịch tả heo châu Phi.

Bình Nguyên