Để chuẩn bị các hoạt động triển khai dự án "Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại Ninh Bình, Việt Nam", ngày 30/9/2022, Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (DTS) có buổi họp với Ban quản lý Dự án phía Hàn Quốc theo hình thức trực tuyến.
Phía Việt Nam có bà Chu Diễm Hằng, trưởng Phòng Quản lý Cổng thông tin Điện tử; ông Đỗ Minh Phương, chuyên gia Phòng Phần mềm và Cơ sở dữ liệu; và ông Nguyễn Tiến Thông, Quản lý Trạm nghiên cứu và Phát triển Giống hạt nhân Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Phía Hàn Quốc có bà Hwang Kiyoung và ông Yun Juhuyn, đại diện của EPIS. Ban Quản lý Dự án Hàn Quốc (PMC) gồm các ông Lee Sung Ho, CEO của Huyn Food & Consulting; ông Chu Kwang Seog, giám đốc dự án và bà Ko Dae Wa, giám đốc Huyn Food & Consulting. Thành viên của PMC còn có oongAhn Kang-Un, Chủ tịch IonTech; ông Greg Yoon, giám đốc Manu Bio.
Tại cuộc họp, hai bên trao đổi một số thông tin liên quan đến chuyến làm việc của PMC Hàn Quốc tại Việt Nam từ ngày 6/10/2022 đến 14/10/2022. Một số nội dung đã được hai bên thống nhất như sau:
- Đoàn Hàn Quốc sẽ cử 02 chuyên gia đến nghiên cứu tình hình thực tế tại Trạm nghiên cứu và Phát triển Giống hạt nhân Tam Điệp. Đi cùng đoàn sẽ có 01 phiên dịch tiếng Việt - Hàn Quốc.
- Sáng ngày 7/10/2022, Lễ khởi động dự án "Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại Ninh Bình, Việt Nam" sẽ diễn ra lúc 9:00am tại Phòng họp của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp.
- Ban Quản lý Dự án (PSC) sẽ có buổi họp thống nhất kế hoạch thực hiện dự án vào ngày 14/10/2022. Buổi họp sẽ diễn ra tại Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, kết hợp hình thức hội thảo trực tuyến.
Sau Lễ khởi động Dự án, đoàn chuyên gia Hàn Quốc cùng Ban quản lý Dự án phía Việt Nam (PMB) sẽ có chuyến làm việc tại Trạm nghiên cứu Phát triển Giống hạt nhân Tam Điệp, Ninh Bình. Tại đây, Dự án sẽ tiến hành xây dựng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn thông minh, đồng thời áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến của Hàn Quốc trong việc lai tạo giống và nuôi lợn thịt. Mô hình canh tác lợn thông minh của Hàn Quốc sẽ được Dự án giới thiệu và tập huấn cho các hộ chăn nuôi lợn tại Việt Nam trong thời gian thực hiện Dự án.
Thông tin dự án
1. Mục tiêu
- Xây dựng mô hình trình diễn trang trại thông minh với ứng dụng công nghệ thông tin từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ đối với thịt lợn tại tỉnh Ninh Bình, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất của sản phẩm đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
- Chuyển giao và áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong mô hình trang trại thông minh của Hàn Quốc phù hợp với điều kiện tại Việt Nam thông qua các chuyên gia Hàn Quốc làm việc tại Dự án.
- Nâng cao năng lực trong chăn nuôi, giết mổ, lưu thông hàng hóa và quản lý dữ liệu hệ thống cho cán bộ và người nông dân tham gia Dự án.
2. Kết quả dự kiến
- 01 mô hình trình diễn trang trại chăn nuôi thông minh từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ tại Trạm Nghiên cứu và Phát triển Giống hạt nhân Tam Điệp, Ninh Bình.
- 01 thương hiệu dành cho sản phẩm chăn nuôi theo mô hình trang trại thông minh của Dự án được hình thành; 01 chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm của Dự án được xây dựng.
- 01 hệ thống phần mềm quản lý và điều hành sản xuất trang trại chăn nuôi thông minh, kết hợp với hệ thống quản lý dữ liệu sản xuất thông minh.
- 01 chiến lược tổng thế quốc gia về phát triển chăn nuôi lợn thông minh được xây dựng.
- 10 cán bộ quản lý (của DTS, NIAS, và cơ quan quản lý của Bộ Nông nghiệp và PTNT) tham gia chương trình trao đổi thông tin và chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp tại Hàn Quốc hàng năm trong thời gian thực hiện Dự án (10 ngày/hội thảo). Tuy nhiên, nếu dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hình thức đào tạo sẽ được bố trí dưới hình thức trực tuyến.
- 50 công nhân/kỹ thuật viên, nông dân tham gia tập huấn thực hiện chăn nuôi theo mô hình trang trại thông minh tại Ninh Bình hàng năm trong thời gian thực hiện Dự án.
- 20 cán bộ/quản lý tham gia tập huấn về kiến thức chuyên sâu về chuỗi giá trị trong mô hình sản xuất trang trại thông minh.
Một số hình ảnh về buổi thảo luận.
Smart Farm