Trong khuôn khổ các hoạt động chuẩn bị khởi động dự án Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại Ninh Bình, Việt Nam, nhóm chuyên gia thuộc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp (DTS) đã có buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) Phùng Đức Tiến tại Trạm Nghiên cứu và Phát triển Giống hạt nhân Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo các nhiệm vụ chuẩn bị dự án tại cuộc họp
Tham dự buổi họp có đại diện của Viện Chăn nuôi (NIAS) gồm ông Phạm Công Thiếu, Viện trưởng Viện Chăn nuôi; ông Phạm Duy Phẩm, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lợn Thụy Phương và ông Nguyễn Xuân Tuyên, chuyên gia cao cấp về lĩnh vực chăn nuôi. Phía Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp có ông Nguyễn Hoàng Đan, Phó giám đốc Trung tâm; bà Chu Diễm Hằng, Trưởng phòng Cổng thông tin và ông Đỗ Minh Phương, chuyên gia công nghệ.
Ông Phạm Công Thiếu (phải) và ông Phạm Duy Phẩm (trái), Viện Chăn nuôi
Ông Nguyễn Hoàng Đan, Phó giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp cũng có báo cáo về tình hình chuẩn bị dự án. Ở thời điểm hiện tại, sau khi Thỏa thuận Tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc được phê duyệt, nhóm công tác hai bên đã tiến hành nhiều hoạt động chuẩn bị cho Lễ khởi công ra mắt Dự án và vận hành trong năm 2023. DTS đã soạn thảo Văn kiện Dự án và đệ trình lên các cấp, bộ, ngành lấy ý kiến đóng góp. Dự kiến đến cuối tháng 5/2023, Văn kiện Dự án sẽ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt, làm căn cứ cho các hoạt động triển khai Dự án một cách chính thức.
Ông Nguyễn Hoàng Đan, Phó giám đốc DTS báo cáo tiến độ chuẩn bị Dự án
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến biểu dương nhóm chuyên gia của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp cùng Viện Chăn nuôi và Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng và kịp thời, đưa tiến độ vận hành dự án vào đúng thời gian dự kiến.
Để có sự chuẩn bị tốt nhất cho các hoạt động sắp tới và trong năm 2023 của Dự án, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra một số chỉ đạo cụ thể:
- DTS soạn thảo báo cáo tiến độ chuẩn bị Dự án và kế hoạch thực hiện Dự án chi tiết trong năm 2023, trình lên Thứ trưởng nghiên cứu, góp ý.
- DTS, NIAS và Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp nghiên cứu và đề xuất các giải pháp chọn lựa giống lợn phù hợp cho mô hình thí điểm của Dự án.
- DTS phối hợp với đối tác Hàn Quốc đưa ra các giải pháp phần mềm cụ thể, chi tiết; phương án xây dựng hệ thống thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu lớn của Dự án.
- DTS và NIAS phối hợp với PMC Hàn Quốc lập kế hoạch đào tạo tại Hàn Quốc; đề nghị Viện trưởng Viện Chăn nuôi tham gia chương trình này.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng đưa ra các chỉ đạo về các vấn đề hiện đại hóa chăn nuôi, chống phát thải khí nhà kính, phát triển thị trưởng, tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể:
- Chú trọng phát triển mô hình trang trại chăn nuôi thông minh, hiện đại, thúc đẩy tự động hóa nhằm hiện đại hóa ngành chăn nuôi, nâng cao giá trị nông sản. Lấy mô hình của Dự án làm mô hình thí điểm để nhân rộng trên cả nước.
- Chú ý phát triển và hoàn thiện các mô hình sản xuất theo hướng sinh học, hữu cơ, tận dụng phế phụ phẩm chăn nuôi, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
- Xây dựng, phát triển các mô hình thương mại hóa, marketing mang tính khác biệt, phù hợp với điều kiện địa phương.
- Tạo điểm nhấn cho các sản phẩm đầu cuối, không chỉ dừng lại ở khâu sản phẩm trung phẩm (thịt lợn hơi) mà phải hướng tới các sản phẩm cuối cùng mang tính đa dạng, phù hợp với người tiêu dùng.
Bà Chu Diễm Hằng, Trưởng phòng Cổng thông tin Điện tử
Tiếp thu ý kiến đóng góp của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, bà Chu Diễm Hằng, Điều phối viên Dự án đã trình bày kế hoạch chi tiết triển khai các hoạt động trong năm 2023. Ngay sau khi Văn kiện Dự án được phê duyệt, hoạt động Lễ khởi công ra mắt Dự án tại Trạm nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp sẽ được tiến hành, dự kiến trong tháng 6/2023. Các hoạt động đào tạo trong và ngoài nước, hoạt động xây lắp mới chuồng trại chăn nuôi, nhập khẩu thiết bị, xây dựng phần mềm điều hành .... cũng đang được thảo luận và triển khai.
Smart Farm