1. Giới thiệu
Có thể nói, cách mạng công nghiệp 4.0 đã biến nông nghiệp không còn là một ngành sản xuất nông sản thuần túy. Bởi lẽ, những ứng dụng công nghệ thông tin (như IOT, Big data, Blockchains…) trong nông nghiệp có thể giúp bón phần cho cây trồng đúng thời điểm, đúng dung lượng, đúng quy cách… từ đó có thể tiết kiệm chi phí, dự báo chính xác cho mùa màng…, nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm. Tất cả đều được nằm trong giải pháp của nông nghiệp thông minh (smart-farm).
Thực tế cho thấy sản xuất nông nghiệp Việt Nam chưa có đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sức cạnh tranh chưa cao, hiệu quả còn thấp. Trên 90% sản phẩm được tiêu thụ chưa qua chế biến và chưa tạo được giá trị gia tăng cao trong khi công nghệ sản xuất, giết mổ, và chế biến chưa đầy đủ. Hơn nữa, quá trình tiêu thụ hàng hóa diễn biến phức tạp, qua nhiều đầu mối dẫn đến chi phí sản phẩm cao mà người tiêu dùng phải thanh toán. Với mô hình sản xuất tiên tiến, tập trung khắc phục những điểm hạn chế chính trong toàn bộ chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, đưa nông sản trực tiếp đến người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. Dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra một mô hình sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch điển hình, có khả năng cạnh tranh cao, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng thu nhập cho nông dân.
Trong quá trình điều tra, khảo sát, Dự án đã lựa chọn Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp làm địa điểm thực hiện Dự án. Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình là cơ sở lưu giữ được các giống gốc và các dòng lợn ngoại có gen quý với nguồn nhân lực phát triển và có kinh nghiệm sản xuất kinh doanh theo chuỗi, mỗi năm xuất bán được khoảng 4,5 – 6 nghìn lợn giống sinh sản và 18-20 nghìn lợn thương phẩm.
Tháng 12/2022, nhóm chuyên gia tư vấn Hàn Quốc và các chuyên gia thuộc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp đã tiến hành khảo sát lần đầu tiên lựa chọn địa điểm và tính toán phương án xây dựng trạng trại thông minh tại Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp. Quá trình khảo sát đã giúp các chuyên gia vẽ được bản đồ chi tiết của khu vực chăn nuôi, đồng thời lập phương án lựa chọn địa điểm và thiết kế kỹ thuật cho hệ thống trang trại thông minh sau này.
Ngày 24/3/2023, nhóm chuyên gia Hàn Quốc và Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp tiến hành khảo sát lần 2 tại Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp. Trong đợt khảo sát này, các chuyên gia đã tiến hành đo đạc chi tiết vị trí thi công chuồng trại, lập bản đồ tỷ lệ lớn và lấy mẫu đất, nước tại khu vực Trạm. Các kết quả khảo sát giúp nhóm kiến trúc sư chăn nuôi Hàn Quốc có dữ liệu chi tiết để xây dựng bản thiết kế cho trang trại tương lai.
Ngày 31/5/2023, Văn kiện Dự án chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt trong Quyết định số 2149/QĐ-BNN-HTQT. Đây là một nền tảng pháp lý quan trọng, cho phép các hoạt động của Dự án được chính thức triển khai.
Ngày 8/7/2023, Lễ khởi công dự án đã diễn ra tại Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp, đánh dấu cột mốc đầu tiên, chính thức cho trang trại chăn nuôi thông minh do Hàn Quốc tài trợ cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Sau Lễ khởi công dự án, công tác chuẩn bị xây lắp, nhập khẩu thiết bị và lưu thông hàng hóa được Ban QL Dự án khẩn trương tiến hành. Rất nhiều cuộc họp đã diễn ra giữa BQL Dự án phía Hàn Quốc và BQL Dự án phía Việt Nam. Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (DTS), chủ dự án cũng tổ chức nhiều phiên thảo luận nội bộ giữa DTS và Viện Chăn nuôi, Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp và các đơn vị khác trong Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mọi hoạt động chủ yếu tập trung vào công tác chuẩn bị xây lắp trang trại thông minh cho Dự án, tuyển dụng và sắp xếp nhân sự, đội ngũ kỹ thuật, chuẩn bị các hoạt động đào tạo trong nước và đào tạo tại Hàn Quốc.
Để có xây dựng báo cáo đánh giá quá trình chuẩn bị và các hoạt động của Dự án từ giai đoạn tháng 6/2023 đến 12/2023, BQL Dự án phía Việt Nam đã có chuyến khảo sát phục vụ công tác giám sát Dự án tại Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp vào ngày 9/12/2023.
Hoạt động xây lắp trang trại được đẩy mạnh từ tháng 12/2023 đến hết tháng 2/2024. Theo kế hoạch, công tác xây lắp cần được hoàn thiện vào cuối tháng 1/2024. Tuy nhiên, do một số yếu tố khách quan và chủ quan, tiến độ xây lắp trang trại của Dự án đã không đạt được như kế hoạch. Báo cáo giám sát này được xây dựng với mục đích cung cấp thông tin về quá trình triển khai và tiến độ của dự án trong giai đoạn từ tháng 12/2023 đến hết tháng 1/2024, đồng thời đánh giá hiệu quả và phát hiện các vấn đề cần giải quyết. Việc giám sát và đánh giá sẽ giúp đảm bảo rằng mọi hoạt động đều tuân thủ các tiêu chuẩn đã đặt ra và đóng góp vào việc đạt được các mục tiêu dự án một cách hiệu quả.
2. Thông tin về chuyến công tác
- Thời gian: Ngày 29/01/2024.
- Địa điểm: Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp, xã Quang Sơn, Tp. Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.
- Thành phần:
Về phía Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp:
• Ông Nguyễn Xuân Tuyên, phó giám đốc Trung tâm lợn Thụy Phương.
• Ông Nguyễn Tiến Thông, Trạm trưởng, phụ trách Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp.
Về phía Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp:
• Bà Chu Diễm Hằng, trưởng phòng Chuyển đổi số và Hợp tác quốc tế.
• Ông Đỗ Minh Phương, phó trưởng phòng Chuyển đổi số và Hợp tác quốc tế.
Về phía nhóm chuyên gia Hàn Quốc:
• Ông Kim Jeoung Soo, trưởng nhóm giám sát dự án phía Hàn Quốc.
• Ông Seo Yo Han, kiến trúc sư, nhóm giám sát.
• Ông Lee Hyosang, chuyên gia kỹ thuật.
• Ông Trương Hưng, nhà thầu đại diện Công ty TNHH Emoi Tech.
- Nội dung làm việc:
• Báo cáo tiến độ xây lắp dự án.
• Những khó khăn, hạn chế và biện pháp khắc phục đã được triển khai.
• Đề xuất giải pháp.
3. Nội dung làm việc
Ban quản lý Dự án đã nghe báo cáo về tình hình xây lắp dự án do ông Kim Jeoung Soo trình bày. Trong đợt khảo sát vừa qua, nhóm tư vấn giám sát dự án phía Hàn Quốc đã có 2 ngày làm việc tại Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp, qua đó đưa ra một số quan sát và nhận định như sau:
- Tiến độ xây lắp dự án bị chậm hơn so với kế hoạch.
- Chi tiết cụ thể mang tính kỹ thuật của trang trại thông minh chưa được kiểm định kỹ do cần thêm thời gian. Nhóm chuyên gia sẽ tiếp tục đối chiếu các hạng mục xây lắp với bản thiết kế để kiểm tra từng hạng mục sau cuộc họp.
- Báo cáo tổng thể sẽ được trình bày tại cuộc họp trực tuyến 3 bên giữa EPIS, DTS và nhóm chuyên gia giám sát Dự án của Hàn Quốc vào 9:00 giờ sáng ngày 30/1/2024 theo giờ Việt Nam.
Về phía nhà thầu Emoi Tech, ông Trương Hưng, đại diện nhà thầu cũng trình bày một số khó khăn, thách thức như sau:
- Việc xây dựng trang trại được bắt đầu triển khai từ tháng 8/2023. Thời gian này thời tiết khá thuận lợi nên tới tháng 9/2023, toàn bộ hệ thống nền móng của trang trại đã được hoàn thiện, chuẩn bị cho các hạng mục xây lắp tiếp theo.
- Sau khi hoàn thiện nền móng, việc thi công có thể được tiếp tục triển khai. Tuy nhiên, do có một số thay đổi về nhân sự phía Hàn Quốc như thay đổi đối tác kỹ thuật, xây dựng lại kế hoạch triển khai, nên công tác thi công bị đình trệ lại trong khoảng thời gian 1 tháng. Trong suốt thời gian này, các công nhân nghỉ và đội thi công chuyển sang hoàn thiện hạng mục hạ tầng nhà ở phục vụ cán bộ Dự án của giai đoạn sau. Đây là hạng mục xây sửa và nâng cấp khu nhà ở tại tầng 2, hội trường chính của Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp. Tại đây, các hạng mục như nâng cấp phòng ngủ, sang sửa hệ thống công tình phụ được nhà thầu tiến hành và hoàn thiện.
Trong giai đoạn thi công thứ 2 vào tháng 11/2023, do điều kiện thời tiết không thuận lợi vì mưa nhiều và một số ngày thời tiết lạnh, công tác thi công ngoài trời bị gián đoạn liên tục. Điều này gây ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện thi công đúng tiến độ của Dự án.
Hiện tại, tới 30/1/2024, toàn bộ hệ thống hạ tầng trang trại đã được hoàn thiện bởi Emoi Tech. Nhà thầu đang chờ kết luận của Ban giám sát Dự án phía Hàn Quốc để nghiệm thu sản phẩm.
Các hạng mục xây dựng đã được nhà thầu hoàn thiện bao gồm:
- Khu nhà nghỉ cho cán bộ dự án.
- Nâng cấp, cải tạo công trình phụ.
- Khu nuôi lợn thịt (finisher).
- Khu chuồng nuôi sau cai sữa.
- Hệ thống pin năng lượng mặt trời.
- Khu khử khuẩn xe vận chuyển hàng hóa.
- Hệ thống phòng khử khuẩn người và vật tư bên trong trang trại.
Đến nay, hệ thống khu nhà nghỉ cho cán bộ Dự án, cùng công trình phụ đã được hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Sửa chữa khu nhà ở cho chuyên gia và cán bộ dự án tại Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp
Hình ảnh bên ngoài khu chuồng lợn thịt (finisher) tại thời điểm 29/1/2024
Hình ảnh bên trong khu chuồng lợn thịt tại thời điểm 29/1/2024
Bên ngoài hệ thống chuồng lợn sau cai sữa tại thời điểm 29/1/2024
Bên trong hệ thống chuồng lợn sau cai sữa tại thời điểm 29/1/2024
Cả hai hệ thống chuồng nuôi lợn thịt và chuồng lợn sau cai sữa đã được Emoi Tech hoàn thiện xây dựng và chờ nghiệm thu. Theo quan sát của nhóm chuyên gia, cần một số công việc dọn dẹp, làm sạch môi trường bên ngoài khu chuồng trại để đảm bảo vệ sinh và chuẩn bị cho các hoạt động lắp ráp tiếp theo.
Hệ thống pin năng lượng mặt trời của Dự án tại thời điểm 29/1/2024
Trong thời gian vừa qua, hệ thống năng lượng pin mặt trời của Dự án cũng được lắp đặt. Hệ thống này đã được đấu nối vào khu chuồng trại và các trạm lưu điện để phục vụ việc vận hành Dự án. Khi các thiết bị bên trong chuồng trại được cài đặt, hệ thống điện mặt trời có thể được đóng mạch để vận hành thiết bị.
Trong buổi thảo luận, ông Nguyễn Xuân Tuyên, phó giám đốc Trung tâm lợn Thụy Phương cũng có một số ý kiến quan trọng:
- Hệ thống cầu cân xuất lợn (hoặc cầu dẫn lợn lên xe): Hiện tại, giàn nâng hệ thống này được thiết kế kết cấu bằng thép mạ crome. Việc phải phun thuốc khử khuẩn liên tục sẽ làm các thanh thép nhanh chóng xuống cấp, dẫn đến hư hỏng. Các kết cấu thép mạ này cần được thay thế bằng vật liệu inox để tăng độ bền và tuổi thọ của hệ thống. Hệ thống cầu cân xuất lợn chưa được thi công nên việc thay đổi kết cấu và vật liệu là khả thi.
- Nhà phun thuốc sát trùng đã được xây dựng xong, tuy nhiên kích thước khá nhỏ, không phù hợp với các xe tải lớn chở vật liệu, thực ăn chăn nuôi ra vào Trạm. Ban quản lý Trạm đã có trao đổi trực tiếp với phía Hàn Quốc từ nhiều ngày trước đây nhưng BQL phía Hàn Quốc chưa đưa ra câu trả lời và giải pháp cho vấn đề này.
Ông Nguyễn Xuân Tuyên đánh giá các nỗ lực của nhóm chuyên gia Hàn Quốc, nhà thầu xây dựng và ghi nhận đóng góp tài trợ cho Trạm của chính phủ Hàn Quốc. Trạm mong muốn sớm ứng dụng các công nghệ hiện đại của Hàn Quốc vào hoạt động sản xuất của Trung tâm nói chung, và hoạt động của Trạm nói riêng, nhằm tạo ra một mô hình chăn nuôi tiên tiến, điển hình, giới thiệu và nhân rộng trên phạm vi cả nước.
4. Đề xuất giải pháp
Trên tinh thần sớm hoàn thiện phần xây lắp và cài đặt thiết bị để vận hành Dự án trong thời gian nhanh nhất, BQL Dự án phía Việt Nam mong muốn tiến độ Dự án được đẩy lên nhanh hơn, bắt kịp thời gian kết thúc đang đến gần vào cuối năm 2024. Đại diện của DTS cũng mong muốn phía chuyên gia Hàn Quốc có các trao đổi với EPIS để tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án.
- Thay đổi thiết kế giàn nâng: Như đã trình bày, hệ thống cầu cân xuất lợn với giàn nâng được thiết kế bằng thép mạ crome sẽ nhanh chóng bị gỉ sét và xuống cấp do phải phun thuốc khử khuẩn thường xuyên. Hệ thống giàn nâng này cần được xem xét và thay đổi kết cấu sang sử dụng vật liệu inox để tăng độ bền của vật liệu.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án: Theo kế hoạch, Dự án sẽ kết thúc vào tháng 12/2024. Thời gian hoàn thiện lắp đặt máy móc và triển khai Dự án không còn nhiều. DTS, Trung tâm lợn Thụy Phương và các chuyên gia Hàn Quốc mong muốn EPIS hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ Dự án trong những tháng tiếp theo.
- Tổ chức các cuộc họp định kỳ giữa BQL Dự án Hàn Quốc, BQL Dự án Việt Nam, đại diện của Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp, Trung tâm lợn Thụy Phương để đôn đốc đẩy nhanh tiến độ Dự án và tháo gỡ các khó khăn.
5. Kế hoạch Quý I và II trong năm 2024
- Cân nhắc việc sản xuất lợn thịt ở quy mô lớn: Hiện tại, theo kế hoạch, Dự án chỉ thử nghiệm nuôi 05 cá thể lợn thịt để kiểm định mô hình chăn nuôi thông minh. Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Tuyên, Dự án có thể cân nhắc gia tăng số lượng cá thể lợn thịt trong trang trại nhằm có số liệu thử nghiệm ở quy mô lớn hơn so với quy mô dự kiến.
- BQL Dự án Hàn Quốc sớm phối hợp với DTS cài đặt hệ thống máy chủ kết nối thiết bị IoT ở các trang trại tại Ninh Bình với trung tâm điều khiển tại Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp. Với hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin chất lượng cao như các phòng máy chủ đạt tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống điện ổn định, đường truyền mạng viễn thông tốc độ cao, tường lửa chống xâm nhập, hệ thống báo cháy, chống cháy nổ được trang bị quy mô lớn, Phòng máy chủ của DTS là địa điểm phù hợp để di dời máy chủ dữ liệu của dự án về đặt tại. Việc cài đặt máy chủ cần được tiến hành sớm để thu thập dữ liệu ngay sau khi các trang trại đi vào vận hành.
- Tổ chức lễ hoàn công ra mắt hệ thống trang trại thông minh chăn nuôi lợn tại Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp trong Quý II năm 2024.
- Triển khai Xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng trong chăn nuôi lợn cho Việt Nam.
- Đẩy mạnh công tác truyền thông Dự án.
- Họp định kỳ Ban quản lý Dự án (Hàn Quốc, Việt Nam và Trung tâm lợn Thụy Phương).
6. Kết luận
Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý và vận hành trang trại thông minh, QBL Dự án cùng các chuyên gia kỹ thuật phía Việt Nam và Hàn Quốc đã bước đầu thu được một số thành quả quan trọng:
- Hoàn thiện nhanh chóng các thủ tục xuất nhập cảnh hàng hóa, giúp lưu thông trang thiết bị Dự án đúng thời hạn, tiết kiệm thời gian và nguồn lực tài chính.
- Hoàn thành một số hạng mục xây lắp quan trọng trong đó phải kể đến hệ thống chuồng trại thông minh nuôi lợn thịt và lợn sau cai sữa. Ngoài ra là các hạng mục như phòng khử khuẩn cho người và thiết bị cá nhân, hệ thống điện năng lượng mặt trời được đấu nối và khu khử khuẩn xe chở vật tư, thiết bị.
Dự án "Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam" đã gặp phải một số thách thức trong giai đoạn đầu tiên. Các vấn đề chính bao gồm sự phối hợp thiếu hiệu quả giữa các chuyên gia Hàn Quốc và cán bộ Việt Nam, giữa các nhà thầu xây dựng và BQL phía Hàn Quốc. Điều này đã làm chậm tiến độ thi công hạ tầng dự án 1 tháng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của toàn bộ Dự án.
Để giải quyết các hạn chế nêu trên, Dự án cần cải thiện trong công tác phối hợp giữa các bên tham gia, tăng cường quản lý dữ liệu và giám sát, cải thiện điều kiện làm việc, và đẩy nhanh quá trình triển khai tiêu chuẩn GlobalGAP. Dự án cũng cần có sự tập trung vào việc nâng cao kỹ năng và kiến thức chuyên môn của cán bộ và nhân viên dự án, cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để đạt được hiệu suất tối ưu.
Dự án " Thiết lập trang trại thông minh và nâng cao chuỗi giá trị chăn nuôi lợn tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam" là một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng nông sản Việt Nam. Mặc dù gặp nhiều thách thức trong giai đoạn đầu, nhưng với sự điều chỉnh kịp thời và cải thiện liên tục, dự án có khả năng đạt được mục tiêu đề ra và góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp Việt Nam. Sự thành công của dự án không chỉ dựa vào nỗ lực của các bên liên quan mà còn phụ thuộc vào việc áp dụng các chiến lược và phương pháp tiên tiến, cũng như sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ từ cả cộng đồng quốc tế.