Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ 2 hướng tới thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp theo chuỗi giá trị
Trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II với chủ đề "Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động", Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Vụ Kinh tế số và Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, chủ trì Phiên họp chuyên đề về "Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị". Diễn đàn được tổ chức tại tỉnh Bình Dương vào ngày 14/11/2024.
Đây là một sự kiện thường niên, được tổ chức nhằm mục đích cùng các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và các chuyên gia đầu ngành tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế số, xã hội số tại Việt Nam. Diễn đàn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Chủ trì Phiên họp chuyên đề về "Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi giá trị", ông Nguyễn Quốc Toản, giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp đã có bài phát biểu đề dẫn về tiến trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Trong những năm vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 53,3 tỷ USD và dự báo đến hết năm 2024, con số này sẽ tăng lên thành 60 tỷ USD. Tổng giá trị hàng hóa nền kinh tế số Việt Nam năm 2024 dự kiến đạt 36 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 18,6%. Năm nay, kinh tế số Việt Nam được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Ngành nông nghiệp đang phải giải quyết các nút thắt về thể chế, hạ tầng số vùng sâu vùng xa, các hướng dẫn quy định về định mức đầu tư thuê công nghệ số, năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ số và làm giàu dữ liệu hạn chế, nhân lực số chưa phát triển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra các kế hoạch ngắn hạn và trung hạn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ điện tử, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, số hóa các ngành nghề, phát triển dữ liệu số nông nghiệp, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng thương mại điện tử gắn với logistics nông nghiệp, bên cạnh đó là đào tạo nâng cao kỹ năng số của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, người sản xuất.
Cũng trong phiên họp, các diễn giả đã trao đổi nhiều vấn đề khác như chuyển đổi kép trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ viễn thám và big data phân tích dữ liệu, thu nhận thông tin kịp thời trên diện rộng để hỗ trợ ra quyết định. Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đã ứng dụng hệ thống thiết bị Internet vạn vật (IoT) để giám sát quá trình sản xuất ngoài đồng ruộng trong trang trại trồng trọt và chăn nuôi, giám sát sức khỏe cây trồng và vật nuôi, dự báo tình hình sâu bệnh. Những công nghệ tiên tiến như tưới nhỏ giọt, châm phân tự động, kiểm soát khí hậu nhà kính và trang trại chăn nuôi, theo dõi quá trình sinh sản của đàn bò, ứng dụng ảnh vệ tinh theo dõi mùa vụ... đã được khai thác, ứng dụng và mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, sạch, giảm phát thải khí nhà kinh, chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp đóng một vai trò quan trọng không những giúp minh bạch hóa quá trình sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm mà còn giúp tối ưu hóa các khâu trong quy trình sản xuất, nhờ đó tiết kiệm năng lượng, vật tư, tài chính và nhân lực. Các hệ thống giám sát cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ tuân thủ, đáp ứng các yêu cầu về canh tác chống mất rừng, phá rừng (EUDR), kiểm kê phát thải khí nhà kính, phát hiện và dự báo sâu bệnh kịp thời đã góp phần không nhỏ tăng năng suất, chất lượng nông sản, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, sâu bệnh và nâng cao thu nhập cho người dân.
Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận đã bày tỏ mong muốn lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm có những hỗ trợ kịp thời, hiệu quả trong việc phổ biến các quy định, hướng dẫn công tác chuyển đổi số; ban hành Kiến trúc dữ liệu nền tảng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp và người dân xây dựng hệ thống dữ liệu nền phục vụ tuân thủ EUDR; nhân rộng và triển khai các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh; đào tạo nhân lực số; phát triển kinh tế số nông nghiệp và chia sẻ dữ liệu số đến toàn thể người sản xuất, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý./.
DTSIC